TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỨC LIÊM VÀ CHÍNH
Trong di sản của mình, Hồ Chí Minh ít dùng Liêm chính đi liền với nhau, một vài trường hợp dùng chủ yếu nghiêng về Liêm với ý nghĩa trong sạch, không tham lam. Người tách Liêm và Chính để nhấn mạnh, làm rõ nội hàm từng đức và mối quan hệ giữa Liêm và Chính. Cách diễn đạt của Người cho thấy không có một chuẩn mực chung Liêm chính mà chỉ có từng đức Liêm và Chính cụ thể. Người viết “LIÊM (cùng với CẦN, KIỆM) là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có rốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”(1). Hoặc: “Nếu không có tinh thần Liêm và Chính, nếu tham lam ích kỷ, thì không thể phát đạt việc tăng gia sản xuất”(2).
Chắc chắn không phải ngẫu nhiên Hồ Chí Minh để Liêm và Chính đứng riêng. Bởi vì mỗi một đức Liêm hay Chính có nội hàm rộng hẹp khác nhau, rất rõ ràng, cụ thể, khá riêng biệt. Nếu nói đạo đức Liêm chính mà chỉ hiểu trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực thì không toát lên được đức Chính. Cách diễn đạt của Hồ Chí Minh về Cần, Kiệm, Liêm, Chính có dấu phẩy như Cần, Kiệm, Liêm, Chính hoặc gắn với chí công vô tư thì không dùng dấu phẩy - như cần kiệm liêm chính, chí công vô tư - thì vẫn được hiểu là từng chuẩn mực(3) cụ thể như: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”(4). Trong các bài viết, Hồ Chí Minh giải thích Liêm và Chính rất rõ ràng.
Liêm là một trong bốn đức cần, kiệm, kiêm, chính để xem xét, đánh giá một con người có thành người hay không, vì “thiếu một đức, thì không thành người”(5) và “người mà không Liêm, không bằng súc vật”(6). Về nghĩa rộng thì Liêm cùng với Cần, Kiệm, Chính là đặc điểm của một xã hội hưng thịnh, trái lại là dấu hiệu của xã hội suy vong.
Theo Hồ Chí Minh, “Liêm là trong sạch, không tham lam”(7). “LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính chính đại, không bao giờ hủ hóa”(8). Đức Liêm như vậy cũng được hiểu là Liêm khiết. Trong một số trường hợp, Hồ Chí Minh chỉ ra những nội dung trái với Liêm là Bất liêm để giúp hiểu rõ hơn chữ Liêm. Theo Người: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM. Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư… Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm). Đều làm trái với chữ LIÊM. Do BẤT LIÊM mà đi đến trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”(9).
Còn “Chính là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”(10). Người giải thích rõ hơn: “Chính - Mình là người làm việc công, phải có công tâm công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh”(11).
Đức Chính còn được xem xét dưới góc độ thiện, ngược lại là ác. Theo Hồ Chí Minh, hàng muôn triệu người trên quả đất có thể chia làm hai hạng: người THIỆN và người ÁC; hàng trăm nghìn công việc có thể chia thành việc CHÍNH, việc TÀ. “Làm việc CHÍNH, là người THIỆN. Làm việc TÀ, là người ÁC”(12). Đức Chính được xem xét “đối với mình”, “đối với người”, “đối với việc”.
Chính “đối với mình” là chớ tự kiêu, tự mãn, tự đại. Phải luôn luôn cầu tiến bộ, coi tiến bộ không có giới hạn. Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình. Mỗi người phải tự hiểu thấu rằng: “Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ. Tự mình phải Chính trước, mới giúp được người khác Chính. Mình không Chính, mà muốn người khác Chính là vô lý”(13).
Chính “đối với người” là “chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới”(14). Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, giản dị, thật thà, luôn luôn thực hành chữ “Bác - Ái”.
Chính “đối với việc” là “để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà… Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước”(15). Chính đối với việc là nói đến kế hoạch, sáng kiến, quyết tâm, quyết làm đến nơi đến chốn, thành công.
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC LIÊM VÀ CHÍNH ĐỂ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
Theo Hồ Chí Minh, “để thực hiện chữ Liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên”(16). Tuyên truyền, giáo dục cho cả cán bộ và nhân dân. Bởi vì, “nếu nhân dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra Liêm”(17).
Kiểm soát rất cần thiết và quan trọng trong thực hành đức Liêm. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn có sự kiểm soát đúng thì phải có quần chúng giúp mới được”(18). Kiểm soát phải kết hợp cả trên xuống, tức người lãnh đạo kiểm soát kết quả công việc cán bộ mình và từ dưới lên, tức “quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên”(19).
Nói đến thực hành Liêm và Chính là nói đến tầm ứng xử văn hóa - đạo đức ở cấp độ cao, bởi nhờ văn hóa và chỉ con người có văn hóa thì mới có được những hành vi và ứng xử có giá trị. Liêm và Chính là đỉnh cao và biểu hiện đẹp đẽ nhất của văn hóa vì nó thể hiện sự hiểu biết làm người, hiểu biết xử sự, xử thế đối với bản thân, gia đình và xã hội mà lõi cốt là phá cái ác đổi ra cái thiện.
Cùng với “pháp luật phải thẳng thay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gi”(20), thì “tự mình” là biện pháp quan trọng nhất để thực hành Liêm và Chính. Bởi vì “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”(21). Tự mình không chỉ biết thực hành Liêm và Chính mà còn phải biết trọng Liêm sỉ, giữ danh dự, “tự mình phải gây ra cái pháp luật để trị mình”, phải có “tòa án lương tâm trong bụng”(22). Một khi cán bộ, đảng viên không còn tính Liêm sỉ, “ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”(23). Liêm sỉ là không làm những điều đáng xấu hổ: “Tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”(24). Cần, Kiệm, Liêm, Chính là đạo đức “đối với tự mình”, nên sự tự giác, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện của mỗi người có ý nghĩa quyết định.
Cán bộ phải biết mình trong mối quan hệ với nhân dân là điều kiện cần để thực hành Liêm và Chính. Phải biết quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, nhân dân ủy thác quyền hành cho mình để phục vụ dân. Vì vậy “làm cán bộ là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân”(25); “lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”(26). Ngược lại, nếu nghĩ rằng quyền hành là của mình thì dễ làm bậy.
Cần phải nhận thức khoa học rằng, người thiếu lương tâm mà không có quyền thì không thể thực hiện hành vi tham nhũng. Nhân dân hạng kém cũng chỉ tham ô, không thể tham nhũng vì không có quyền. Cán bộ có quyền mà có đạo đức, có lương tâm không bao giờ tham nhũng, tiêu cực. Đảng ta chiến đấu hy sinh 15 năm mới trở thành Đảng cầm quyền và cán bộ, đảng viên trong công sở so với nhân dân “đều có nhiều hoặc ít quyền hành”(27) “cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ”(28). Sự hư hỏng của cán bộ không phải nằm ở quyền mà ở chỗ có quyền mà “không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(29). “Có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”(30).
Cán bộ không có đạo đức thường hay tham địa vị, danh lợi, thích “quan” chủ mà không thích dân chủ. Khi có địa vị mà không có đạo đức rất dễ hư hỏng. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải nâng cao nhận thức, làm đúng bổn phận, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Họ phải là những người thể hiện rõ nhất tính tiền phong, gương mẫu trong việc giữ mình trong sạch, tạo sức đề kháng chống mọi thứ vi trùng độc do chủ nghĩa cá nhân sinh ra như ích kỷ vụ lợi, tham nhũng, tham ô, tham tiền tài, địa vị. Với văn hóa phương Đông, một tấm gương sống có giá trị hơn một tram bài diễn văn tuyên truyền, “cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân”(31).
Cán bộ, đảng viên phải ghi tạc, “nằm lòng” về mối quan hệ giữa quyền hành và đạo đức: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(32).
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ LIÊM VÀ CHÍNH TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC HIỆN NAY
Trước hết, tư tưởng Hồ Chí Minh về Liêm và Chính hay nói đầy đủ là Liêm khiết và Chính trực là hai đức rõ ràng, nên khi triển khai phải bảo đảm cả đức Liêm và đức Chính. Hiện nay có chỗ ghép Liêm với Chính thành một chuẩn mực đạo đức Liêm chính, hiểu theo nghĩa trong sạch, không tham nhũng là không đầy đủ. Tách từng đức Liêm và Chính còn có ý nghĩa ở chỗ xây Liêm thì phải chống bất liêm; xây Chính thì phải chống bất chính. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Liêm và Chính vẹn nguyên giá trị, mở đường đổi mới, soi sáng tương lai, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực”(33).
Hai là, các văn kiện của Đảng, đặc biệt Đại hội XIII nhấn mạnh rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí. Văn kiện Đại hội nói đến “chống tha hóa quyền lực”(34). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói “tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực”(35). Cả hai ý này là một cách trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người chỉ rõ quyền lực là cần thiết, ở nơi dân, do dân ủy thác, nên cán bộ phải gắng sức làm phục vụ nhân dân, để khỏi phụ lòng tin của nhân dân. Quyền hành không có tội. Vấn đề ở chỗ cán bộ có quyền mà không có đạo đức, thiếu lương tâm là dễ trở nên hủ bại. Đây là một điểm nhấn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay khi tham nhũng quyền lực là tham nhũng gốc.
Phải kiểm soát quyền lực như Hồ Chí Minh chỉ ra và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về “lồng” cơ chế để “nhốt” quyền lực, bảo đảm quyền lực vận hành đúng không bị tha hóa. “Lồng” cơ chế bằng các quy định, kiểm tra, giám sát, trách nhiệm giải trình, v.v.. là cần thiết, quan trọng, nhưng phải đặc biệt chú trọng “lồng” cơ chế dân chủ. Phát huy dân chủ thật sự trong Đảng và xã hội là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, Quy định 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 hệ thống hóa các chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, được hiểu là đạo đức và tư cách mà mỗi cán bộ, đảng viên phải có, phải giữ cho đúng, phải theo, phải thực hiện theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, không có thì không còn là cán bộ, đảng viên. Đây là gốc, là sức mạnh của người gánh nặng đường xa; là “vốn” của Đảng. Vun bồi đạo đức là vun gốc để cây khỏi héo; “có vốn mới làm ra lãi”(36). Điều 3 của Quy định 144-QĐ/TW ghi rõ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công vô tư là trở về đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bốn là, quy định, quy chế là cần thiết nhưng chưa đủ. Phải có biện pháp “hai chân” - quy định, cơ chế và con người. Như Hồ Chí Minh đã chỉ ra, điều có ý nghĩa quan trọng nhất trong thực hành Liêm và Chính là vấn đề con người. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại: “Cuối cùng, xét tới ngọn ngành mọi sự trên đời này đều là vấn đề con người, do con người, vì con người mà ra”(37). Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thì cán bộ chiến lược, nhất là người đứng đầu là tầng lớp “tinh hoa” của đất nước. Vì vậy phải tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/ Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”(38).
Cùng với quy định, cơ chế, cán bộ, đảng viên tự giác rèn luyện, tu thân chính tâm, tự soi, tự sửa, tự vượt lên chính mình, phải chiến thắng lòng tà trong mình, giữ liêm sỉ, trọng danh dự là biện pháp có ý nghĩa quyết định nhất trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay./.
_____________________
(1) (4) (5) (6) (7) (9) (10) (12) (13) (14) (15) (16) (17) (20) (23) (24) (28) (30) (31) (36) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.6, tr.129, 117, 117, 127, 126, 126-127, 129, 129, 130, 130, 131, 127, 127, 127, 127, 127, 127, 127, 127, 356.
(2) (8) (11) (18) (19) (21) (27) (29) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.116, 292, 123, 325, 328, 281, 122, 122.
(3) Trong các bài viết, bài nói Hồ Chí Minh không dùng “chuẩn mực”, mà dùng “điều”, “đức”, “đạo đức cách mạng”
(22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.7-8.
(25) (26) (32) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.670, 292, 622.
(33) (35) (37) (38) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2023, tr.44, 15, 51, 45.
(34) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t.I, tr.198.
Tác giả: PGS. TS. BÙI ĐÌNH PHONG
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
« | tháng 11/2024 | » | ||||
---|---|---|---|---|---|---|
T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 | CN |
28 | 29 | 30 | 31 | 01 | 02 | 03 |
03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 |
24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 |
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện ĐăkTô được thành lập[1] trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dạy nghề ĐăkTô (Thành lập năm 2005) và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện ĐăkTô (Thành lập năm 2008). Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân huyện ĐăkTô, có nhiệm vụ...