Nhất quán quan điểm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Đường lối đổi mới của Việt Nam được hình thành và phát triển trong quá trình tổng kết thực tiễn của đất nước Việt Nam dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, nhận thức về chủ nghĩa xã hội là cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn quyết định quan trọng nhất, có tính chất quyết định để từ đó Đảng đề ra đường lối, chủ trương về xây dựng và phát triển đất nước. Từ đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước mới cụ thể hóa các nội dung, giải pháp, các chính sách cụ thể để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng đặt ra trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Đồng thời, đã chỉ rõ trong thời gian tới phải: “Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính” là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị trong những năm tới.
Có thể nói lần đầu tiên thuật ngữ: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động” chính thức được sử dụng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta. Đây là sự tiếp tục phát triển và làm sâu sắc hơn bản chất và định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong điều kiện mới.
Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng đã nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thể hiện sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng Dân”. Trong đó nêu rõ Nhà nước pháp quyền có 3 nhánh quyền lực là lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó, cơ chế kiểm soát quyền lực được nêu cụ thể trong Văn kiện Đại hội Đảng.
Để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng bằng chính sách, pháp luật. Tiến hành tổng kết Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trên cơ sở đó đẩy mạnh, hoàn thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, công bằng, đóng góp quan trọng vào hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tiếp đó, Nghị quyết 27-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã được ban hành ngày 9/11/2022. Đây là một bước cụ thể hóa quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Đặc biệt, mới đây, ngày 31/01/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công bố bài viết rất quan trọng, với tiêu đề “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, đây là bài viết có tính chất tổng kết về quá trình xây dựng, phát triển, lãnh đạo cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam. Trong quá trình đó, có những vấn đề gắn với nhận thức về phát triển đất nước, đặc biệt là nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội, nhất là về đường lối đổi mới của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới những vấn đề quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội, trong đó chủ nghĩa xã hội vì hạnh phúc của con người, không phải chủ nghĩa xã hội là đàn áp, áp bức con người để làm giàu trên mồ hôi, xương máu của con người; đồng thời, nhấn mạnh, chủ nghĩa xã hội là xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, chứ không phải Nhà nước đại diện cho quyền và lợi ích của một bộ phận rất ít người.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Vấn đề này đã được Đảng ta nhận thấy và nêu ra trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng. Đó là vấn đề đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có một số mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện. Vai trò giám sát của Nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ.
Theo Hiến pháp năm 2013, giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp kiểm soát lẫn nhau trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, nhưng mới chỉ coi trọng kiểm soát của quyền lập pháp đối với hành pháp và tư pháp thông qua giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của các cơ quan của Quốc hội. Cơ chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp hoạt động chưa thực chất, còn có biểu hiện hình thức.
Hệ thống pháp luật còn có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội mà thực tiễn đòi hỏi. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở một số nơi chưa được đổi mới một cách mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng...
Những tồn tại, hạn chế nêu trên trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang được Đảng ta tiếp tục hoàn thiện, từ việc ban hành các chủ trương, đường lối, đến việc cụ thể hóa bằng các chính sách, pháp luật cụ thể. Đây cũng là những luận chứng đanh thép, phản bác lại những nội dung, quan điểm xuyên tạc, chống đối của các thế lực thù địch đang âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam.
Vận dụng học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng Nhà nước pháp quyền trong tình hình mới
Quan điểm, tư tưởng, đường lối đã rõ, đã nhất quán, để triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII trong thực tiễn cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật trong thời gian tới cũng cần có sự đột phá, thay đổi, nhấn mạnh đến đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết như phải chú trọng đến việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ thành quả cách mạng. Tinh thần này phải được thể hiện rõ trong Hiến pháp và hệ thống luật pháp.
Ngoài ra, hệ thống luật pháp cũng cần hướng tới bảo vệ sự phát triển của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đoàn kết khối nông dân, công dân, trí thức, Kiều bào ta sinh sống và làm việc tại nước ngoài cũng như các tầng lớp lao động khác. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò của các giai cấp, tầng lớp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; phát huy mạnh mẽ bản sắc “ngoại giao cây tre” Việt Nam; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng gắn với đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về những vấn đề trên.
Việc xây dựng hệ thống luật pháp cũng phải chú ý tới thực hiện, thể hiện rõ nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo đó, Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng vào Cương lĩnh, đường lối, chính sách pháp luật phải được thể hiện nhuần nhuyễn, thực thi trong cuộc sống một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng phải chú trọng tới phê phán những quan điểm sai trái, vu khống, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tầm quan trọng là một học thuyết khoa học. Bên cạnh đó, mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ lý luận tinh thông, hiểu rõ những thủ đoạn của các thế lực thù địch để có sự phản bác kịp thời thông qua những thắng lợi của Cách mạng Việt Nam, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước.
Ngoài ra, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên cần có khả năng vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn, kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tiễn, luôn phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; luôn có ý thức chống suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống.
PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là tiếp tục nâng cao được năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng trong điều kiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; phải xử lý mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền với Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân dân, vì Nhân dân; vai trò làm chủ của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua các đoàn thể chính trị xã hội và việc làm chủ trực tiếp của Nhân dân.
Thời gian qua, lợi dụng chiêu bài đất nước đang trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch đã dựa cớ đó để gia tăng chống phá. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần kiên định, nhất quán với nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, đây là cơ sở lý luận, học thuyết khoa học, là cơ sở để Đảng hoạch định Cương lĩnh, đường lối, Nhà nước hoạch định chính sách pháp luật.
Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thấm nhuần sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, vận dụng học thuyết, tư tưởng đó một cách sáng tạo vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là vận dụng sáng tạo vào việc xây dựng Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để xây dựng đất nước, phát triển đất nước theo con đường của Chủ nghĩa Xã hội và thực hiện tốt công cuộc đổi mới như hiện nay.
Việc vận dụng học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng Nhà nước pháp quyền, chúng ta phải nhận thức rõ bản chất của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả, hướng tới tất cả vì con người, vì sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng Nhân dân khỏi áp bức bất công để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp, sung sướng, hạnh phúc.
Trong đó, cần quan tâm xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có kỷ cương, phép nước nghiêm minh nhưng phải thấm nhuần tinh thần dân chủ và thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Tinh thần của luật pháp là phải đặt con người làm trung tâm, chủ thể của sự phát triển; mọi người được bình đẳng và không ai bị bỏ lại phía sau./.
Tác giả: Lan Hương - Bích Lan
Nguồn tin: quochoi.vn
Ý kiến bạn đọc
« | tháng 11/2024 | » | ||||
---|---|---|---|---|---|---|
T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 | CN |
28 | 29 | 30 | 31 | 01 | 02 | 03 |
03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 |
24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 |
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện ĐăkTô được thành lập[1] trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dạy nghề ĐăkTô (Thành lập năm 2005) và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện ĐăkTô (Thành lập năm 2008). Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân huyện ĐăkTô, có nhiệm vụ...